Bật Mí 5 Cách Quản Lý Tài Chính Cá Nhân Cho Người Mới Đi Làm
03/10/2024 15:00
Quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng quan trọng. Đặc biệt với những người vừa bước chân vào thị trường lao động, việc này càng trở nên quan trọng hơn vì đây là giai đoạn bạn bắt đầu tích lũy tài sản và xây dựng nền tảng kinh tế cho tương lai. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả nhất cho người mới đi làm.
Tại Sao Quản Lý Tài Chính Cá Nhân Lại Quan Trọng Với Người Mới Đi Làm?
Nhiều người có suy nghĩ rằng phải nhiều tiền thì mới cần quản lý tài chính, nhưng thực ra là ngược lại. Khi bạn mới đi làm, thu nhập thường chưa ổn định và có thể chưa cao, nhưng nhu cầu chi tiêu lại rất nhiều. Nếu không biết cách quản lý tài chính cá nhân, bạn dễ rơi vào tình trạng tiêu xài hoang phí hoặc không có khoản tiết kiệm dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp. Vì vậy bạn cần học cách quản lý tài chính cá nhân ngay khi bắt đầu tự chủ kinh tế.
- Tránh lãng phí và tiêu xài hoang phí: Bạn sẽ biết được tiền của mình đi đâu và tránh những khoản chi không cần thiết.
- Xây dựng thói quen tài chính lành mạnh: Giúp bạn hình thành thói quen tiết kiệm và đầu tư từ sớm.
- Chuẩn bị cho tương lai: Đảm bảo bạn có đủ tài chính để đối phó với các tình huống khẩn cấp hoặc thực hiện những dự định dài hạn như mua nhà, kết hôn, du học,…
1. Xác Định Mục Tiêu Tài Chính Của Bản Thân
Việc đầu tiên trong quá trình quản lý tài chính cá nhân là xác định rõ mục tiêu tài chính của bạn. Điều này giúp bạn có định hướng cụ thể và biết mình cần phải làm gì. Một số mục tiêu tài chính phổ biến của người mới đi làm bao gồm:
- Xây dựng quỹ riêng: Tích lũy một khoản tiền cho các mục tiêu tương lai như mua nhà, mua xe, du lịch, hoặc sử dụng trong các tình huống khẩn cấp,... Quỹ này thường tối thiểu 3 tháng thu nhập.
- Trả nợ: Nếu bạn có nợ sinh viên hoặc các khoản vay khác, hãy ưu tiên trả chúng trước.
- Đầu tư để tăng thu nhập: Tìm hiểu về các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, hoặc quỹ đầu tư để gia tăng tài sản.
Lưu ý hãy đảm bảo rằng mục tiêu tài chính của bạn cụ thể, đo lường được, có thể đạt được, thực tế và có thời hạn (SMART).
Xem thêm: Thiết lập mục tiêu tài chính cá nhân SMART là gì?
2. Xây Dựng Ngân Sách Chi Tiêu Hàng Tháng
Việc lập ngân sách chi tiêu là cách tốt nhất để bạn kiểm soát tài chính của mình. Để xây dựng ngân sách hiệu quả, bạn có thể tham khảo nguyên tắc 50/30/20:
- 50% cho nhu cầu thiết yếu: Bao gồm chi phí ăn uống, đi lại, tiền thuê nhà, hóa đơn điện nước, và các chi phí cần thiết khác.
- 30% cho chi tiêu cá nhân: Đây là khoản dành cho các hoạt động giải trí, mua sắm, ăn ngoài, hoặc sở thích cá nhân.
- 20% để tiết kiệm và đầu tư: Phần này nên được dành cho quỹ tiết kiệm dự phòng, đầu tư dài hạn, hoặc trả nợ.
Ngoài ra bạn cũng có thể một mô hình khác 6 chiếc lọ. Đây là mô hình tài chính cá nhân theo chuẩn quốc tế, bao gồm: Thiết yếu, Tiết kiệm, giáo dục, Giải trí, Tự do tài chính, Cho đi. Các lọ này được khuyến nghị tỷ trọng chi tiêu so với thu nhập của khách hàng như sau: Thiết yếu 55%; Tiết kiệm 10%; Giáo dục 10%; Giải trí 10%; Tự do Tài Chính 10%; Cho đi 5%. Hiện nay SeABank đang ứng dụng mô hình quản lý chi tiêu 6 chiếc lọ trong ứng dụng ngân hàng số SeAMobile. Chi tiêu thực tế của khách hàng được thể hiện và trình bày ở dạng biểu đồ và so sánh theo tỷ lệ 6 lọ. Căn cứ vào đó, khách hàng dễ dàng nhìn nhận và đánh giá tổng quan cũng như chi tiết về tình hình chi tiêu của mình để đưa các giải pháp điều chỉnh sao cho hợp lý nhất với tổng thu nhập mỗi tháng.
3. Tiết Kiệm Trước, Chi Tiêu Sau
Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong quản lý tài chính cá nhân là "Tiết kiệm trước, chi tiêu sau". Ngay khi nhận lương, bạn nên dành một phần cố định để tiết kiệm hoặc đầu tư trước khi chi tiêu cho các nhu cầu khác. Điều này giúp bạn đảm bảo rằng mình luôn có một khoản dự phòng và tránh rơi vào tình trạng "đầu tháng dư, cuối tháng thiếu”.
Bạn nên ưu tiên chi trả những thứ sẽ giúp bạn tồn tại: bao gồm tiền thuê nhà, tiền ăn uống, tiền điện nước, gas, xăng xe đi lại… Đó là những món bạn bắt buộc phải chi nếu muốn tồn tại ở nơi bạn sống, dù đó có là thành phố hay ngoại ô. Ngay cả thế thì bạn cũng sẽ phải "lựa cơm gắp mắm" cho mình một khoản phù hợp.
Việc xác định điều gì là cần thiết hay không cần thiết cũng không dễ dàng với nhiều người. Trước khi xuống tiền bạn nên suy nghĩ về những món mình muốn mua như: "Tôi có thật sự cần cái này không?", "Điều này có giúp gì cho cuộc sống không?", "Nếu không có nó thì cuộc sống của tôi có ảnh hưởng không?". Trì hoãn việc mua sắm sẽ giúp bạn tránh được những cơn hứng thú bất chợt và những màn chốt đơn ngớ ngẩn lúc nửa đêm.
4. Kiểm Soát Nợ Nần
Khi đã có thu nhập, tức là bạn cũng bắt đầu có cơ hội đăng ký sử dụng thẻ tín dụng hay vay tiêu dùng. Sử dụng thẻ tín dụng hay vay nợ có thể rất có lợi, như một trợ thủ đắc lực, tạo đòn bẩy tài chính cho bạn. Tuy nhiên bạn cần kiểm soát chặt chẽ thói quen chi tiêu của mình để tránh rơi vào tình trạng “vung tay quá trán”:
- Tránh chi tiêu quá đà bằng thẻ tín dụng: Chỉ sử dụng thẻ tín dụng khi cần thiết và đảm bảo thanh toán đúng hạn để tránh lãi suất cao.
- Ưu tiên trả nợ: Nếu bạn có nhiều khoản nợ, hãy ưu tiên trả những khoản nợ có lãi suất cao trước để giảm thiểu chi phí lãi vay.
5. Tận Dụng Các Dịch Vụ Tài Chính Hỗ Trợ
SeABank và nhiều ngân hàng hiện nay cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính hỗ trợ quản lý tài chính cá nhân, chẳng hạn như:
- Tài khoản tiết kiệm tự động: Giúp bạn tiết kiệm một cách tự động và đều đặn mỗi tháng.
- Ứng dụng quản lý chi tiêu: Giúp bạn theo dõi và phân tích các khoản chi tiêu hàng tháng, giúp quản lý tài chính hiệu quả hơn.
- Các chương trình hoàn tiền và ưu đãi khi sử dụng thẻ tín dụng: Nếu biết cách tận dụng, bạn có thể tiết kiệm một khoản không nhỏ từ các chương trình này. Ví dụ như với thẻ SeAEasy của SeABank, khách hàng được hoàn lên tới 8% cho mọi giao dịch thanh toán trực tuyến tại các đối tác liên kết của SeABank như Amazon, Tiki, Aliexpress, Itunes… và hoàn tiền 0,3% cho mọi giao dịch thanh toán trực tuyến khác. Tiền sẽ được tự động hoàn vào hạn mức thẻ tín dụng của khách hàng với tổng số tiền tối đa lên tới 7,2 triệu đồng/năm.
Quản lý tài chính cá nhân là một quá trình dài hạn, đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỷ luật. Đối với người mới đi làm, việc bắt đầu quản lý tài chính cá nhân từ sớm sẽ giúp bạn xây dựng nền tảng tài chính vững chắc, chuẩn bị tốt cho tương lai và tránh rơi vào những rắc rối không đáng có. Hy vọng qua bài viết trên, SeABank đã chia sẻ với bạn thêm nhiều kiến thức hữu ích.
Tin khác