Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo phổ biến
20/01/2022 16:17
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) trân trọng thông báo, cảnh báo Khách hàng các thủ đoạn lừa đảo phổ biến hiện nay và biện pháp phòng ngừa rủi ro để không bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
1. THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO NỔI BẬT
* Giả danh là nhân viên Ngân hàng: Đối tượng lừa đảo chuyển một khoản tiền vào tài khoản của khách hàng rồi gọi điện thoại đến giả danh là nhân viên ngân hàng, người chuyển nhầm hoặc thậm chí là Công an, Viện Kiểm sát yêu cầu khách hàng chuyển trả lại khoản tiền nhầm bằng cách truy cập vào đường link do đối tượng gửi, hoặc cung cấp mật khẩu Internet Banking/Mobile Banking, OTP… và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng
* Yêu cầu thanh toán nợ đối với khoản vay “trên trời”: Đối tượng lừa đảo chuyển một khoản tiền có nội dung lạ vào tài khoản của khách hàng. Một thời gian sau đối tượng liên hệ nói khách hàng đã được giải ngân một khoản vay và yêu cầu thanh toán nợ với lãi suất “trên trời”. Nếu khách hàng không làm theo sẽ bị đối tượng liên tục quấy rầy và dọa nạt.
* Giả mạo tin nhắn Ngân hàng: Đối tượng lừa đảo giả mạo tin nhắn của Ngân hàng thông báo khách hàng đã thực hiện một giao dịch/đã mở tài khoản hoặc sử dụng một dịch vụ nào đó của Ngân hàng, yêu cầu khách hàng xác nhận bằng cách truy cập vào đường link tại tin nhắn, nếu không sẽ bị thu phí hoặc trừ tiền.
* Thông báo may mắn trúng thưởng: Đối tượng lừa đảo liên hệ thông báo khách hàng là người may mắn trúng thưởng hoặc được nhận khoản trợ cấp hỗ trợ từ cơ quan Bảo hiểm Xã hội/Chính quyền địa phương/Đơn vị nơi khách hàng đang công tác. Bằng một cách nào đó, đối tượng lừa đảo nắm được thông tin cá nhân của khách hàng cũng như lợi dụng tình hình dịch bệnh căng thẳng và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên chiếm được lòng tin và lừa khách hàng nhập thông tin tài khoản/thẻ ngân hàng vào trang web/đường link do đối tượng cung cấp.
* Giả danh nhân viên nhà mạng viễn thông: Đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên nhà mạng viễn thông liên hệ hướng dẫn chuyển đổi sim 3G thành 4G, chuyển đổi Sim vật lý thông thường sang ESim hoặc chuyển đổi sang gói cước ưu đãi… Đối tượng thuyết phục lòng tin của khách hàng bằng cách đọc đầy đủ thông tin cá nhân cũng như lợi dụng tâm lý ngại đến trực tiếp cửa hàng để giao dịch trong thời gian dịch bệnh để lừa khách hàng cung cấp mã OTP và chiếm quyền kiểm soát Sim, điện thoại, đánh cắp toàn bộ thông tin lưu trong điện thoại như danh bạ, email, truy cập trái phép vào ứng dụng Ngân hàng… từ đó thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
* Mở khoản vay dưới tên khách hàng thông qua giấy tờ tùy thân: Đối tượng lừa đảo sử dụng GTTT giả mạo, cắt ghép để mở tài khoản thanh toán dưới hình thức định danh eKYC, sau đó giải ngân khoản vay vào tài khoản này. Một thời gian sau đối tượng liên hệ khách hàng đòi nợ thì khách hàng mới biết mình có tài khoản tại ngân hàng.
* Giả mạo website thương mại điện tử: Đối tượng tội phạm xây dựng các website thương mại điện tử giả mạo và lừa đảo người dùng nhập thông tin tài khoản/thẻ để liên kết thanh toán mua hàng.
2. PHÒNG NGỪA RỦI RO
Để phòng ngừa rủi ro gian lận, lừa đảo, bảo vệ an toàn tài sản cho khách hàng, SeABank khuyến cáo khách hàng:
- TUYỆT ĐỐI KHÔNG cung cấp tên truy cập, mật khẩu, OTP cho bất kỳ ai
- KIỂM TRA cẩn thận Website đang giao dịch, không truy cập vào đường link lạ
- Khi nhận được một khoản tiền lạ vào tài khoản cần liên hệ ngay với SeABank để kiểm tra/tra soát, KHÔNG TỰ chuyển trả lại theo yêu cầu của người lạ
- Khi nhận được cuộc gọi đòi nợ từ đối tượng lạ mà KH không có quan hệ vay mượn, KHÔNG LÀM THEO yêu cầu của đối tượng, bình tĩnh liên hệ với Ngân hàng để xác minh lại thông tin.
Kính mong Quý khách nâng cao cảnh giác và cảnh báo tới những người xung quanh về hiện tượng lừa đảo trên. Nếu Quý khách nhận được bất cứ tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo nào hoặc trong trường hợp cảm thấy có nguy cơ bị tấn công tài khoản/thẻ, Quý khách vui lòng liên lạc ngay với đường dây nóng của ngân hàng SeABank hoặc điểm giao dịch SeABank gần nhất để được trợ giúp.
Tin khác